Giá dầu thế giới đã tăng mạnh trong 2019, bất chấp triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị thương chiến Mỹ-Trung phủ bóng...
Giá dầu thế giới tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chốt ở mức đỉnh của hơn 3 tháng, sau báo cáo cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm mạnh hơn dự báo.
Trang MarketWatch dẫn báo cáo hàng tuần của Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho biết tồn kho dầu thô thương mại của nước này giảm gần 5,5 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 20/12. Trước đó, giới phân tích dự báo mức giảm 3 triệu thùng.
Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao tháng 2 tại thị trường New York tăng 0,04 USD/thùng, đạt 61,72 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của dầu WTI kể từ ngày 16/9. Tính cả tuần, giá dầu loại này tăng 2,1%.
Tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 2 tăng 0,24 USD/thùng, tương đương tăng 0,4%, chốt ở 68,16 USD/thùng. Đây cũng là mức giá đóng cửa cao nhất của dầu WTI trong hơn 3 tháng. Nếu tính cả tuần, giá dầu Brent tăng 3,7%.
Tuần này là tuần tăng thứ tư liên tiếp của cả dầu Brent và dầu WTI.
Nhà phân tích cấp cao Phil Flynn thuộc The Price Futures Group nói rằng dữ liệu của EIA cho thấy các nhà máy lọc dầu ở Mỹ đang tăng công suất hoạt động, khiến lượng dầu tồn kho giảm xuống. "Có vẻ như các nhà máy lọc dầu đang gia tăng hoạt động trở lại. Điều này hỗ trợ tích cực cho giá dầu", ông Flynn nói.
Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư dầu lửa trong phiên này ít nhiều bị ảnh hưởng bởi một bản tin cho thấy tín hiệu liên minh OPEC+ có thể xem xét chấm dứt thỏa thuận hạn chế sản lượng trong 2020.
OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước đồng minh ngoài khối gồm Nga. Nhóm này từ đầu năm tới nay thực thi thỏa thuận giảm sản lượng khai thác dầu 1,2 triệu thùng/ngày để hỗ trợ giá dầu và đã nhất trí sẽ tăng mức cắt giảm sản lượng lên 1,7 triệu thùng/ngày trong quý 1/2020.
"Về vấn đề cắt giảm sản lượng, tôi xin nhắc lại rằng đây không phải là quy trình kéo dài mãi. Sẽ đến lúc phải rút dần khỏi việc giảm sản lượng này để duy trì thị phần và để các công ty của chúng ta có thể thực thi các dự án tương lai của họ", Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Nga Alexander Novak phát biểu trên kênh Rossiya 24 TV.
Phiên này, giá dầu còn tiếp tục được hỗ trợ bởi hy vọng của giới đầu tư rằng thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung sẽ sớm được ký kết và một số dữ liệu kinh tế khả quan của Trung Quốc. Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho biết thấy lợi nhuận tại các công ty công nghiệp nước này trong tháng 11 tăng mạnh nhất 8 tháng.
Ngoài ra, một báo cáo hàng tuần từ công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes cho thấy số giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ đã giảm 8 giàn trong tuần này, còn 677 giàn, đánh dấu tuần giảm đầu tiên trong 3 tuần. Số lượng giàn khoan hoạt động giảm xuống có thể là một dấu hiệu cho thấy sự giảm nguồn cung dầu trong tương lai.
Nhờ nỗ lực giảm sản lượng của OPEC, cộng thêm ba đợt hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và sự vững vàng tương đối của kinh tế Mỹ, giá dầu thế giới đã tăng mạnh trong 2019, bất chấp triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị thương chiến Mỹ-Trung phủ bóng.
So với mức chốt của 2018, giá dầu Brent hiện tăng hơn 25%, trong khi giá dầu WTI tăng khoảng 35%.
Nguồn:Vneconomy.vn